Hội nghị trực tuyến triển khai và nhân rộng mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
Ngày 14/11/2018, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai và nhân rộng mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với hơn 700 điểm cầu trong cả nước. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có ông Lục Văn Đại - Giám đốc Sở Y tế; ông Nông Quang Trung - Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã Văn phòng UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bảo hiểm xã hội, Công đoàn ngành y tế; Đại diện lãnh đạo các Trung tâm trực thuộc Sở Y tế; Đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa thành phố, Trung tâm Y tế thành phố và các Trạm Y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh và đại diện các phòng chuyên môn trực thuộc Sở Y tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cung cấp thông tin về kết quả thực hiện mô hình trạm y tế xã, phường trong năm 2018. Theo đó mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp tại 11.161 xã phường, có 11.793 trạm y tế (kể cả trạm y tế ngành), 91,8% thôn bản có nhân viên y tế, 49.544 giường bệnh, 42.169 nhà thuốc. Các trạm y tế xã phường đã thực hiện tốt công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe, được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về y tế như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em; tăng tiếp cận nước sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản; giảm tỷ lệ mắc, tử vong các dịch bệnh truyền nhiễm; đạt mục tiêu kiểm soát Sốt rét, Lao; thanh toán Bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnhPhong. Quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở bước đầu có nhiều kết quả tích cực.

Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, Bộ Y tế đã chọn 26 trạm y tế tại 8 tỉnh, thành phố để thực hiện mô hình điểm và tiếp tục tiến hành nhân rộng. Một số địa phương được thí điểm như: Hà Nội, Hà Tĩnh… đạt khoảng 80% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố. Gần 80% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Chỉ số PAPI 2016, 2017 cho thấy sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ về chất lượng bệnh viện tuyến huyện tăng.

Tại Hội nghị, một số điểm cầu đã đóng góp ý kiến về cơ chế triển khai thực hiện, kinh nghiệm huy động các nguồn lực y tế cơ sở… và tình hình triển khai tại địa phương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ trong thời gian tới các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình còn lại, không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Chậm nhất đến quý I/2019, các tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, lộ trình triển khai thực hiện. Tùy theo năng lực của địa phương mà có thể triển khai dần dần theo lộ trình, cuốn chiếu để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình. Nguồn tài chính để thực hiện dự án là ngân sách địa phương, vốn ODA, nguồn xã hội hóa, bảo hiểm y tế, thu dịch vụ của trạm y tế xã...Hướng tới mục tiêu phải phủ khắp toàn quốc mô hình bác sỹ gia đình; đến năm 2030 bao phủ mạng lưới CSSK toàn diện cho người dân, để mỗi người dân biết phòng bệnh, được phát hiện bệnh sớm, CSSK ngay tại tuyến cơ sở, được sống khỏe mạnh cả về thể chất và trí lực.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập