“Người mẹ” của trẻ em vùng xa
Tiếng khóc chào đời của mỗi đứa trẻ vang lên cũng là tiếng cười hạnh phúc không chỉ của mỗi người mẹ, người cha, của gia đình mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ của những người thực hiện nhiệm vụ cao cả, đó là những cô đỡ thôn bản tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà điều kiện tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế hoặc những phụ nữ có thai khi chuyển dạ không kịp đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Một trong những người đó có cô đỡ thôn bản Ma Thị Ất, xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc.
Từ Thành phố Cao Bằng, vượt qua quãng đường gần 200km, theo chỉ dẫn của y sĩ La Văn Đoàn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Lộ, huyện Bảo Lạc chúng tôi đến gặp chị Ma Thị Ất (sinh năm 1982), là nhân viên y tế kiêm cô đỡ thôn bản xóm Bản Riềng, xã Sơn Lộ. Đây là một xóm vùng sâu, vùng xa, cách Thị trấn Bảo Lạc 68km, xóm có 3 dân tộc: Tày, Mông, Dao cùng sinh sống, với 120 hộ gia đình và 624 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông và dân tộc Dao chiếm trên 90%. Địa hình xóm đi lại vô cùng khó khăn, dân cư sống rải rác trên các triền núi cao, nhiều nhóm nhỏ lẻ, các phương tiện xe không đến được, cách thức đi lại chủ yếu của người dân nơi đây là đi bộ. Đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, lúa, làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu như: phụ nữ có thai chưa hiểu và chưa biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân, thường xấu hổ không đi khám thai, không đi đẻ tại cơ sở y tế, gây nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi.

Thấu hiểu nỗi vất vả, e ngại của những chị em phụ nữ và nỗi niềm của những người mẹ luôn mong chờ được sinh con an toàn, nhưng do việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế và điều kiện đường xá xa xôi, địa hình hiểm trở nên nhiều bà mẹ khi chuyển dạ không kịp đến đẻ tại các cơ sở y tế… Từ năm 2008, Chị đã tự nguyện tham gia làm nhân viên y tế thôn bản với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình giúp bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe.

Trong 2 năm 2011 và 2013, Chị được cử đi học lớp cô đỡ thôn bản 6 tháng và lớp cô đỡ thôn bản nâng cao tại Trường Trung cấp Y tế tỉnh Cao Bằng. Sau khi kết thúc khóa học, bằng những kiến thức đã được học, trở về địa phương Chị tích cực tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế. Chia sẻ về những kỷ niệm của bản thân, chị Ất vui vẻ cho biết: Có một ca chuyển dạ nên người nhà gọi cho tôi, khi đến nơi thì em bé đã ngạt ở trong rồi. Tôi đã vận dụng những phương pháp bản thân được học, được các cô hướng dẫn, nhớ đến đâu thì tôi cố gắng thực hiện đến đó, vận dụng mọi phương pháp, khả năng để cấp cứu sơ sinh và rồi trẻ sơ sinh cũng đã khóc được, nên lúc đấy tất cả mọi người và tôi rất là vui mừng. Mỗi lần gặp tôi ở đâu, gia đình vẫn nhắc lại kỷ niệm như là tôi đã mang lại sự sống cho đứa trẻ”.

Mặc dù điều kiện đi lại rất vất vả, chị Ất vẫn không quản ngại khó khăn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai và đến cơ sở khám, chữa bệnh để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi đúng thời gian quy định; Tư vấn cho các bà mẹ biết cách nuôi con bằng sữa mẹ, nuôi con theo khoa học; Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, chế biến bữa ăn bổ sung cho phụ nữ có thai và các bà mẹ nuôi con nhỏ; Hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cung cấp và hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai. Trực tiếp thực hiện theo dõi tăng trưởng: cân và đo chiều cao cho trẻ dưới 2 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hàng tháng, cân và đo chiều cao cho trẻ dưới 5 tuổi 2 lần/năm. Với tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm tận lực hết lòng vì sức khỏe của bà con nhân dân, công tác tuyên truyền của Chị đã dần đi vào nề nếp, được bà con nhân dân hưởng ứng, tin tưởng, đặc biệt là chị em trong độ tuổi sinh đẻ.

Là Bí thư Chi bộ xóm Bản Riềng, ông Đàm Văn Thành không hết lời khen ngợi: “Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động bà mẹ trẻ em thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, vận động tránh thai ngoài ý muốn, chị Ma Thị Ất còn là một đảng viên trong chi bộ gương mẫu, tuyên truyền vận động gia đình, làng xóm chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương; Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp đầy đủ các loại quỹ từ thiện, nhân đạo”.

Hiện nay, trên địa bàn xóm Bản Riềng có 155 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 137 bà mẹ đang nuôi con nhỏ và 66 trẻ em dưới 5 tuổi. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hàng năm có 100% phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén, trên 80% phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần/ thai kỳ, trên 86% bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc sau sinh đến 42 ngày; Thực hiện tư vấn chăm sóc thai nghén cho các phụ nữ có thai tại xóm đạt trên 80%, tỷ lệ bà mẹ được tư vấn về kế hoạch hóa gia đình trên 80%. Từ năm 2013 đến nay, chị đã đỡ đẻ an toàn cho trên 40 bà mẹ, đây là những trường hợp không kịp đến cơ sở y tế để sinh đẻ. Đặc biệt trong 5 năm qua, trên địa bàn xóm không có trường hợp nào tử vong mẹ.

Nhận xét về Chị Ất, y sĩ La Văn Đoàn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Lộ cho biết: “Chị Ất rất nhiệt tình, hết lòng vì công việc mà mình phụ trách; Thực hiện đảm bảo công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế để được tư vấn, chăm sóc. Nhờ vậy, trong những năm qua không có trường hợp sinh con thứ ba, không có tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn xóm”.

Chị Ma Thị Ất không chỉ là người năng động, sáng tạo trong công việc được giao, trong gia đình Chị luôn là người vợ, người mẹ đảm đang, luôn chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình, bảo ban chăm sóc hai con ăn học, hàng năm đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Trong công việc của làng xóm, gia đình Chị cũng thường xuyên tham gia đầy đủ mọi hoạt động của các tổ chức đoàn thể, của địa phương nên nhiều năm liền gia đình Chị đạt tiêu chuẩn “Gia đình Văn hóa”. Đầu năm 2018, Chị vinh dự là 01 trong 5 cô đỡ thôn bản của tỉnh Cao Bằng được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Với sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo và có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, mong rằng trong thời gian tới chị Ma Thị Ất sẽ tiếp tục gắn bó và làm tốt nhiệm vụ của một nhân viên y tế kiêm cô đỡ thôn bản, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn xã Sơn Lộ nói riêng và toàn tỉnh Cao Bằng nói chung.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập