Thiếu Vitamin D ở trẻ em
Vitamin D là Vitamin tan trong dầu, được cơ thể tạo ra một cách tự nhiên khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D giúp thúc đẩy sự hấp thu canxi ở ruột và điều hòa nồng độ canxi trong máu. Đối với trẻ em, vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển của hệ cơ xương. Trẻ em nếu không được cung cấp đủ vitamin D thì chất xương và sụn không được vôi hóa đầy đủ, sụn phát triển không bình thường, làm xương biến dạnggây hậu quả còi xương ở trẻ em, trẻ chậm lớn, chậm biết đi, chân vòng kiềng… Do đó, vitamin D có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển hệ xương ở trẻ em.
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao: thể nhẹ cân là 13,8%, thể thấp còi là 24,3%. Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn cao: tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,9%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13%, thiếu kẽm (69,4%), thiếu vitamin D trên 50%. Đặc biệt, trong thức ăn hằng ngày của trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu vitamin D và Canxi, trong khi đây là những vi chất quan trọng giúp trẻ tăng trưởng và khỏe mạnh. Tình trạng thiếu hụt vitamin D và khẩu phần Canxi thấp đang là những vấn đề ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe của trẻ em Việt nam.

Những trẻ có nguy cơ thiếu vitamin D:

Vitamin D rất quan trọng với sức khỏe của trẻ, tuy nhiên có nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của vitamin D đối với cơ thể trẻ vì vậy dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu vitamin D. Dưới đây là một số nguyên nhân làm cho trẻ bị thiếu vitamin D:
- Do tâm lý của các bậc phụ huynh là cơ thể trẻ còn non nớt cần được bảo vệ do đó thường để trẻ ở trong phòng kín, không cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng.
- Trẻ bị bệnh về gan, thận, trẻ đang sử dụng một số thuốc như thuốc động kinh (phenobarbital, phenytoin), kháng viêm corticosteroid (prednison, prednisolon) vì chúng làm mất hoặc cản trở tác dụng của vitamin D.
- Trẻ sinh non, trẻ bú mẹ nhưng mẹ bị thiếu vitamin D.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu các chất cung cấp vitamin D cho trẻ.
- Trẻ bị béo phì lượng mỡ dư thừa lớn sẽ tích tụ lại ở mô mỡ và không được giải phóng vào máu.

Biểu hiện của thiếu vitamin D:

Các dấu hiệu của hệ thần kinh thường xuất hiện sớm hơn:
- Trẻ hay quấy khóc, khó ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình do thần kinh bị kích thích.
- Ra nhiều mồ hôi về ban đêm, ngay cả khi trời lạnh (mồ hôi trộm).
- Rụng tóc ở vùng gáy (dấu hiệu chiếu liếm).
- Chậm phát triển thể lực, trương lực cơ giảm (cơ nhão), da xanh, lách to.
Các dấu hiệu ở xương thường xuất hiện muộn: Các biểu hiện rối loạn ở xương có thể xuất hiện ở những xương khác nhau, tùy theo độ tuổi của trẻ và mức độ nặng nhẹ của bệnh.
- Thóp rộng, bờ thóp mềm, lâu liền thóp.
- Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm, ấn lõm, trở lại bình thường khi nhấc tay ra (dấu hiệu quả bóng bàn), đầu bẹt.
- Chậm mọc răng và răng mọc không cân đối, chậm biết lẫy, biết bò, biết đi...
- Bướu xương sọ, thường ở vùng trán và đỉnh.
- Đầu xương cổ tay to, phì đại thành "vòng cổ tay".
- Chuỗi xương sườn và biến dạng lồng ngực, chân vòng kiềng, cong vẹo cột sống.
- Có thể bị co giật do hạ Canxi máu.
- Còi xương là bệnh tiên phát ở trẻ nhỏ khiến cẳng chân bị biến dạng và chậm phát triển thể lực. Biến dạng xương ở thời kỳ thơ ấu có thể để lại di chứng cho thời kỳ trưởng thành, xương sống dễ bị gù, vẹo và hẹp khung chậu.

Phòng thiếu vitamin D:

Thiếu vitamin D gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ như: còi xương, chậm lớn, khả năng miễn dịch kém...Vì vậy để đảm bảo trẻ không bị thiếu vitamin D, các bậc phụ huynh cần chú ý:

Đối với mẹ mang thai và cho con bú:
Bà mẹ có thai và cho con bú nên tắm nắng (hàng ngày, để lộ chân, tay tiếp xúc ánh nắng mặt trời 15-20 phút vào trước 8 giờ sáng hoặc 4-5 giờ chiều), đồng thời ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vào những tháng cuối thai kỳ nên dùng thức ăn có nhiều Canxi, vitamin D, Phốt pho và uống bổ sung vitamin D liều dự phòng theo chỉ định của thầy thuốc.

Đối với trẻ em:
Cho trẻ tắm nắng thường xuyên sẽ đảm bảo cung cấp 90-95% vitamin D cho cơ thể. Khi tắm nắng mẹ cần cho bé đội mũ, đeo kính râm để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu. Tuyệt đối không sử dụng các loại kem để bôi vào da trong thời gian tắm nắng. Cho trẻ tắm nắng hàng ngày ngay từ tháng đầu sau đẻ, để lộ chân, tay, lưng, bụng, ngực cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian tắm nắng trong khoảng 15-20 phút vào buổi sáng trước 8 giờ hoặc 4-5 giờ chiều.

Cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú đến 18-24 tháng, vì trong sữa mẹ tỷ lệ Canxi/Phốt pho rất thích hợp cho việc hấp thu Canxi của trẻ.

Khi trẻ tròn 6 tháng, cho trẻ ăn thức ăn bổ sung với những loại thức ăn giàu Vitamin D và Canxi (lòng đỏ trứng, sữa, gan, dầu gan cá, tôm, cua, cá, vừng, lạc,...), cho thêm 1 -2 thìa cà phê mỡ hoặc dầu vào bát bột, cháo để tăng khả năng hấp thu Vitamin D. Cho trẻ ăn thêm các loại rau xanh, củ và quả chín.

Vitamin D có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Vì bên cạnh các tác dụng tốt như trên, vitamin D còn có những tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng thuốc không đúng. Khi đó, thuốc có thể gây chứng tăng Canxi huyết, tăng Canxi niệu, thậm chí có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh: Sỏi thận, Tăng huyết áp, Viêm khớp xương hoặc có thể bị ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy...

Khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu thiếu Vitamin D, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn, khám và uống bổ sung đúng liều lượng. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được với điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta, do vậy hãy góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ còi xương bằng biện pháp tắm nắng rất đơn giản và hiệu quả ngày từ khi trẻ mới sinh ra.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập