Làm gì để phòng tránh bệnh ung thư?
Ung thư là tên dùng chung để mô tả một nhóm các bệnh phản ảnh những sự thay đổi về sinh sản, tăng trưởng và chức năng của tế bào. Các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết hay mạch máu. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư. Những thuật ngữ khác của ung thư là khối u ác tính hoặc tân sinh ác tính.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy Việt Nam đứng 78 trong số 172 quốc gia, vùng lãnh thổ có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao (tỷ lệ 110 trên 100.000 người).

Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 126.000 (năm 2010) đến 165.000 (năm 2018), trong đó gần 70% trường hợp tử vong. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Hằng năm nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày.

Ung thư là nỗi ám ảnh, lo sợ của mọi người trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta duy trì chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý:

* Chế độ dinh dưỡng, ăn uống:
Lựa chọn thực phẩm sạch, xây dựng bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư.
+ Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt. Thường xuyên ăn các món luộc, hấp hơn là những món chiên, xào, nướng…
+ Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để làm tăng sức đề kháng với các tế bào ung thư.
+ Ăn đa dạng nhiều món và thường xuyên thay đổi món trong các bữa ăn.
+ Ăn nhiều trái cây và rau để hấp thụ đủ những sinh tố và chất xơ, nhất là các thựcphẩm phòng chống ung thư như: bơ, cải xanh, bắp cải, đu đủ, dứa, tỏi, hành, khoai lang, đậu phụ, cà chua, súp lơ, táo, nho, cam và trái cây thuộc họ cam…
+ Sử dụng các loại sữa chua chứa nhiều vitamin để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.
+Sau khi sử dụng nồi, xoong, chảo cần phải cọ rửa sạch để loại bỏ lớp dầu mỡ còn đọng lại ở dụng cụ, nếu để qua lần dùng sau sẽ dễ tạo nên những độc chất gây ung thư.
- Không nên hoặc hạn chế:
+ Ăn các thực phẩm chứa nguy cơ gây ung thư như: các món nướng ở nhiệt độ cao bị cháy khét, thực phẩm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, các thực phẩm phơi khô…
+Ăn các loại thức ăn nhanh như: xúc xích, dăm bông, đồ hộp, gà rán, pizza…
+ Sử dụng các thực phẩm mốc như các loại đậu phộng, đậu hạt…; bánh gói lâu ngày bị mốc như bánh chưng, bánh gai...

* Không hút thuốc:
Thuốc lá chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, đặc biệt là những người hút thuốc nhiều và trong thời gian dài. Hút thuốc lá còn có thể gây ra hàng loạt các căn bệnh ung thư khác như: ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, ruột, cổ tử cung, tuyến tụy và thận. Thậm chí việc hút thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi. Do đó, không hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm từ cây thuốc lá là một biện pháp ngăn ngừa ung thư quan trọng.

* Duy trì cân nặng hợp lý:
Thể trạng thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Cùng với không hút thuốc lá, duy trì một cân nặng hợp lý là điều quan trọng để giảm thiểu nguy cơ bị mắc ung thư, cũng như bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường type 2. Mỗi người nên duy trì cân nặng khỏe mạnh với chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18,5 - 24,9.

*Tích cực luyện tập thể dục thể thao:
Tập thể dục, thể thao thường xuyên có thể giúp duy trì nồng độ các hoóc môn trong cơ thể ở mức lành mạnh, tránh cho cơ thể bị tích mỡ, béo phì, tăng cường hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa. Vận động tích cực không chỉ tốt cho tim và phổi, mà còn giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

* Hạn chế rượu bia và các loại đồ uống có cồn:
Những người tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư cao hơn người không sử dụng hoặc sử dụng trong liều lượng cho phép (Đàn ông được khuyên uống không quá 20ml chất cồn/ngày, phụ nữ không quá 10ml chất cồn/ngày). Lượng đồ uống có cồn tiêu thụ càng nhiều, nguy cơ mắc các bệnh ung thư càng cao. Nguy cơ này còn cao hơn nữa khi vừa sử dụng đồ uống có cồn và hút thuốc.

* Khám sức khỏe định kỳ:
Là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ cao. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.

Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng viêm gan vi rút B, tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung...

Đa phần bệnh nhân ung thư tại Việt Nam đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, vì vậy chi phí điều trị tăng cao, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh thấp. Bệnh ung thư không chỉ là gánh nặng của bệnh nhân và gia đình mà còn là gánh nặng rất lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống khoa học, lành mạnh để chủ động bảo vệ sức khỏe của mình đối với các loại bệnh tật trong đó có bệnh ung thư.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập