Rượu bia - Những tác hại với sức khỏe mà ai cũng phải biết
Rượu, bia đều chứa chất cồn và xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế.

Báo cáo về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu.
    Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia; 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu, bia; 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu. Bên cạnh đó, tổn hại sức khỏe do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất.

Dưới đây là những tác động tiêu cực của rượu, bia lên sức khỏe:

Người sau khi uống rượu, bia thường có cảm giác: đau nhức đầu, nôn, mệt mỏi, không những thế về lâu dài ảnh hưởng đến não và các cơ quan nội tạng như gan, thận, thần kinh, tim mạch, ung thư và nhiều vấn đề khác.



1. Ảnh hưởng tới não bộ và thần kinh
Khi một lượng cồn lớn vào trong cơ thể, chúng gây rối loạn bộ não của cơ thể khiến bộ não không kiểm soát được các hoạt động của các trung tâm dưới vỏ. Từ đó gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liễu lĩnh hơn. Nguy hiểm hơn, uống rượu khi tham gia giao thông, người điều khiển xe bị giảm tập trung, phản xạ chậm, buồn ngủ và dễ gây tai nạn giao thông.
Uống rượu thường xuyên có liên quan với trầm cảm, lo âu và nhiều vấn đề tinh thần khác.

2. Tác hại với dạ dày
Theo một số nghiên cứu, khi rượu bia vào trong cơ thể chúng bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày. Khi lượng bia, rượu đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ra bệnh viêm loét dạ dày, loét dạ dày và tá tràng.

3. Tác hại với bệnh gan
Khi rượu vào cơ thể được chuyển hóa chủ yếu vào tại gan (90%). Chính vì lý do này mà chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan. Bệnh nhân xơ gan cũng bị các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng khác như nôn ra máu, nhiễm trùng dịch cổ trướng.



4. Tác hại với tim mạch, huyết áp
Cồn là chất độc và có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim. Do vậy khi một người uống rượu, tế bào cơ tim chết, và thay vào đó là mô xơ không có khả năng co bóp. Dần dần, các tế bào cơ tim bị thay thế bằng mô xơ không co bóp được, khiến tim yếu và không đủ khả năng tống máu đi nuôi cơ thể. Tồi tệ hơn, bạn có thể bị suy tim, biểu hiện khó thở, mệt mỏi, loạn nhịp tim, và phù chân.
Những cuộc chè chén say sưa cũng làm tăng khả năng cao huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lớn của đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Uống rượu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, do vậy càng làm tăng huyết áp. Rượu gây ra thiếu vitamin B1, làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, phù, tím tái, giảm khả năng gắng sức… dần dẫn tới suy tim. Nhiễm độc rượu dẫn tới viêm cơ tim cấp, gây nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, rượu còn gây rối loạn nhịp nhĩ hay nhịp thất, nhất là nhịp nhanh kịch phát ở những người bình thường.



5. Tác hại với thận:
Thường xuyên uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi, theo Tổ Chức Thận Anh Quốc. Thận lọc và thải chất độc ra khỏi dòng máu, rượu làm suy giảm khả năng thực hiện chức năng này của thận. Đồng thời uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Chỉ cần một lần quá chén cũng có thể gây suy thận cấp, một tình trạng chức năng thận mất đột ngột, do lượng cồn trong máu tăng quá nhanh. Chức năng thận có thể phục hồi những cũng có thể để lại tổn thương mãi mãi.

6. Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gout
Rượu bia làm suy yếu sự trao đổi chất, gia tăng axit uric - nguyên nhân của bệnh gout. Người uống rượu sẽ thường cảm thấy đau nhức, mỏi xươn Tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Gout là hiện tượng thừa axit uric khiến chúng tích tụ ở các cơ: ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối khiến cho việc đi lại hết sức khó khăn. Lạm dụng rượu bia quá mức dần dần làm hỏng các bộ phận trên cơ thể bạn và đặc biệt là gan và thận (như đã nói ở trên) khiến cơ thể không có khả năng loại bỏ độc tố và các chất độc hại khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh Gout cao hơn.



7. Viêm tụy
Tụy có hai chức năng nội tiết và ngoại tiết. Nó tiết các enzyme tiêu hóa và gửi đến ruột non giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn, đó là chức năng ngoại tiết. Chỉ khi đến ruột các enzyme này mới được hoạt hóa thực hiện chức năng của mình. Nhưng khi uống rượu bia, cồn làm rối loạn quá trình này, các enzyme bị hoạt hóa và thực hiện chức năng ngay khi còn ở trong tụy, do đó gây viêm tụy.
Các triệu chứng viêm tụy bao gồm đau bụng, có thể đau dữ dội, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt. Một người có thể bị viêm tụy cấp (sau bữa rượu và có triệu chứng nói trên), hay viêm tuy mãn, tức là tụy bị phá hủy từ từ, dẫn đến đái tháo đường và cuối cùng là tử vong.

8. Loãng xương
Trong cơ thể luôn xảy ra quá trình hủy xương và tân tạo xương, có sự cân bằng nhất định giữa hai quá trình này. Cồn trong rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tái tạo xương, ức chế sự tân tạo, do đó làm cán cân nghiêng về bên hủy xương. Uống rượu thường xuyên gây loãng xương, làm xương mỏng, yếu và dễ gãy hơn, đồng thời cũng lâu liền hơn nếu bị gãy.
Uống rượu cũng là một một trong những yếu tố được dùng để đánh giá nguy cơ gãy xương.

9. Ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sức khỏe sinh sản
Đối với nam giới, nồng độ cồn trong máu từ 8 -10g/100cc đủ làm giãn nở mạch máu, gây cản trở quá trình quan hệ, đặc biệt rượu bia còn làm ảnh hưởng chất lượng tinh trùng.
Đối với nữ giới nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi - tuyến yên, buồng trứng dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây nguy cơ sinh non…

10. 
Gây ra các bệnh về tâm thần
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều trong thời gian dài sẽ gây ra một số các bệnh lý rối loạn tâm thần: chứng ảo giác, hoang tưởng bị hại, sảng rượu, tâm thần phân liệt…

11. Tăng nguy cơ ung thư
Theo giáo sư Linda Bauld thuộc Trung tâm nghiên cứu thuốc lá và rượu Anh Quốc, thì có bằng chứng xác đáng cho thấy rượu làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như vòm họng, thực quản, gan, ruột và ung thư vú.

Những đồ uống có cồn như rượu, bia khi vào cơ thể thì sẽ được giáng hóa ở gan và tạo thành chất độc hại là acetaldehyde, chất này làm tổn thương ADN của tế bào, do vậy làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Cồn cũng có kết hợp với các tác nhân gây ung thư khác, ví dụ các chất độc trong thuốc lá, khiến nguy cơ ung thư có thể tăng lên nhiều lần.

Vậy tại sao ngay từ bây giờ bạn không dừng ngay việc uống rượu để bảo vệ sức khoẻ?
 
Hãy từ chối rượu bia trước khi quá muộn, đó là lời cảnh tỉnh cho những ai đang hàng ngày sử dụng rượu bia như một thói quen. Đây là một việc làm cần thiết, đặc biệt đối với giới trẻ tương lai để có một cuộc sống khỏe mạnh và xây dựng một xã hội văn minh, an toàn.                                
 
Đàm Thị Đào st

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập