QUÁ TRÌNH LÃO HÓA MỘT TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN VÀ XẢY RA LIÊN TỤC
Lão hóa là một tiến trình tự nhiên và xảy ra liên tục. Hiện tượng này tăng dần theo thời gian, không ngăn chặn được nhưng có thể làm chậm lại. Cơ thể chúng ta đạt đỉnh cao về thể chất và chức năng các cơ quan ở tuổi 35, sau đó suy giảm dần. Hiện tượng lão hóa ở mỗi người một khác nhau. Ngay trong một cơ thể, sự thay đổi ở cơ quan này không giúp tiên đoán được sự lão hóa của cơ quan khác.
1. Tế bào
Hoạt động của tế bào giảm dần theo thời gian. Điều này tác động đến các hệ thống, cơ quan bộ phận của cơ thể đưa đến sự suy giảm về thể chất. Mức độ của sự thay đổi này do nhiều yếu tố tác động bao gồm: lối sống (hút thuốc lá, uống nhiều rượu, dinh dưỡng kém, hocmon, thể lực...) và di truyền. Tuy nhiên chỉ khoảng 10-15 % trường hợp nhịp độ lão hóa chịu tác động do di truyền.
2. Hệ tim mạch
Mạch máu trở nên xơ cứng nên dễ bị bệnh tăng huyết áp; cơ tim, van tim cũng xơ cứng hơn do đó công suất tống máu của tim giảm đi. Các cơ quan điều chỉnh huyết áp khi thay đổi tư thế trở nên kém nhạy cảm nên dễ bị hạ huyết áp và chóng mặt khi thay đổi tư thế.
3. Hệ hô hấp
Phổi mất tính đàn hồi, các cơ hô hấp không còn mạnh và sức chịu đựng cũng giảm, điều này có ảnh hưởng đến khả năng của phổi trong việc trao đổi khí oxy, ho khạc và hít thở sâu. Số lượng nhung mao ở phế quản giảm nên chức năng làm sạch phổi kém.
4. Hệ tiêu hóa
Nước bọt và các men tiêu hóa không được tiết ra đầy đủ như trước nên khó tiêu hóa, sự hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Thức ăn đi qua khỏi dạ dày chậm và dạ dày cũng không thể chứa nhiều thức ăn vì không co dãn tốt như trước; đại tràng thải phân chậm và dễ bị bón.
Gan nhỏ lại vì số lượng tế bào giảm đi, lượng máu đến gan cũng giảm; các enzyme của gan có vai trò giúp cơ thể chế biến và xử lý thuốc và các chất khác hoạt động kém hiệu quả hơn.
5. Hệ tiết niệu - sinh dục
Hai thận cũng nhỏ lại do số lượng tế bào giảm. Lượng máu đến thận giảm, sau tuổi 30 chức năng lọc máu và tái hấp thụ ở thận giảm và khả năng thải chất cặn bã trong máu cũng giảm.
Ở phụ nữ, sự ảnh hưởng của tuổi già lên nồng độ hocmon sinh dục rõ rệt hơn đàn ông. Đến tuổi mãn kinh nồng độ kích thích tố giảm, kinh nguyệt ngưng vĩnh viễn và không còn thụ thai được. Buồng trứng và tử cung teo lại, âm đạo trở nên mỏng, khô và kém đàn hồi. Tuyến vú bớt săn chắc và có nhiều xơ nên xệ xuống. Còn ở đàn ông sự thay đổi nồng độ hocmon không xảy ra đột ngột, testosterone trong máu giảm kéo theo số lượng tinh trùng và hứng thú tình dục cũng giảm, nhưng giảm từ từ.
6. Hệ nội tiết và chuyển hóa
Giảm nồng độ và hoạt động của một số kích thích tố do các tuyến nội tiết sản xuất như: giảm kích thích tố tăng trưởng dẫn đến giảm khối lượng cơ; Insulin hoạt động kém hiệu quả và được tiết ra ít đi nên người cao tuổi dễ bị đái tháo đường typ 2; Mức độ chuyển hóa của cơ thể giảm mỗi năm 1% kể từ sau tuổi trưởng thành.
7. Hệ thần kinh
Não của người cao tuổi có thể hoạt động kém hơn do các tế bào thần kinh mất đi một số thụ thể đảm nhận việc tiếp nhận tín hiệu và lưu lượng máu lên não giảm; các tín hiệu từ dây thần kinh truyền đến cơ lâu hơn nên cơ phản ứng chậm. Một số chức năng về trí tuệ có giảm đi sau tuổi 70.
Sau tuổi 50, khứu giác và vị giác giảm dần. Các giác quan mất đi tính nhạy bén, giảm khả năng nghe các âm thanh tần số cao. Xúc giác giảm, giảm số lượng và độ nhạy của các gai vị giác về ngọt và mặn. Khả năng ngửi giảm nhẹ vì lớp niêm mạc mũi mỏng hơn và khô đi. Nước bọt tiết ra ít làm miệng khô. Nướu răng teo lại nên thức ăn và vi khuẩn dễ bám vào chân răng, lớp men răng mòn đi nên dễ bị sâu răng và rụng răng.
Thủy tinh thể trở nên chai cứng, giảm khả năng điều tiết nên không thể nhìn gần. Đồng tử đục và nhỏ lại nên khó thích nghi với ánh sáng mờ, người từ 60 tuổi cần độ sáng gấp 3 lần so với người trẻ mới nhìn rõ. Khả năng nhận biết màu sắc kém hơn do thủy tinh thể hơi ngả sang màu vàng, mắt khô vì ít tiết dịch.
Về giấc ngủ, người cao tuổi khó ngủ và phải mất thời gian lâu mới đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu, không ngon giấc, không đầy giấc và thường thức giấc nhiều lần.
8. Hệ cơ, xương khớp
Có sự giảm dần sức căng cơ, tính mềm dẻo và sức mạnh của cơ. Sau tuổi 30 khối lượng cơ bắt đầu giảm, đến 70 tuổi chỉ còn bằng một nửa so với lúc còn trẻ. Theo thời gian hệ xương từ từ giảm calci, mật độ xương cũng giảm dần, trở nên xốp và dễ gãy. Ở phụ nữ hiện tượng này nổi bật hơn: sự giảm mật độ xương diễn ra nhanh hơn sau tuổi mãn kinh do giảm tiết estrogen.
9. Da, tóc
Tóc bạc là biểu hiện rõ ràng nhất của quá trình lão hóa. Ở người cao tuổi, các lớp da mất khả năng giữ nước và khô hơn, cơ thể sản xuất ít sợi collagen (làm da săn chắc) và elastin (làm da mềm dẻo) nên da trở nên nhăn và dễ bị trầy xước, bầm tím. Lớp mỡ dưới da mỏng đi sẽ xuất hiện nhiều nếp nhăn và giảm khả năng thích nghi với lạnh. Số lượng mút tận cùng thần kinh ở da giảm nên kém nhạy cảm với cảm giác đau, nhiệt độ, sự đè ép. Số lượng tế bào sắc tố giảm, nên da ít được bảo vệ chống lại bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời.
10. Hệ tạo máu
Tủy xương (nơi sản xuất tế bào máu) giảm hoạt động khi lão hóa, tuy nhiên tủy xương vẫn cung ứng đủ nhu cầu của cơ thể suốt đời. Chỉ khi yêu cầu của cơ thể về tế bào máu gia tăng ví dụ thiếu máu, nhiễm trùng hay xuất huyết… lúc bấy giờ tủy xương không thể đáp ứng đầy đủ được.
11. Hệ miễn dịch
Số lượng tế bào miễn dịch lympho T không giảm, nhưng hoạt động của chúng kém hiệu quả. Do đó người cao tuổi thường gặp những vấn đề như: Mất khả năng chống lại nhiễm khuẩn; Mất khả năng nhận biết và điều chỉnh những biến đổi của tế bào nên dễ bị ung thư; dễ gây ra bệnh tự miễn nhiễm...
Tóm lại, lão hóa là hiện tượng tự nhiên không thể nào tránh khỏi. Không có loại thuốc nào giúp kéo dài sự sống nhưng ta có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh hạnh phúc lúc tuổi già. Nghĩa là ta có thể làm chậm hay giảm thiểu được những hậu quả không mong muốn của quá trình lão hóa, vẫn có thể duy trì được sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, giữ được tính năng động và độc lập trong cuộc sống.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập