KẾT QUẢ THỰC HIỆN MÔ HÌNH CAN THIỆP LÀM GIẢM TÌNH TRẠNG TẢO HÔN,HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TẠI HUYỆN BẢO LẠC
Bảo Lạc là huyện miền núi, biên giới có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhiều vùng dân cư sống rải rác thưa thớt, có 7 dân tộc chính cùng sinh sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn của huyện.
Năm 2009, Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (gọi tắt là Mô hình) được triển khai thí điểm tại 2 xã: Bảo Toàn và Hồng Trị, đến năm 2011 mô hình nhân rộng thêm 2 xã và các hoạt động của mô hình duy trì tại 4 xã đến hết năm 2015 với 54 cộng tác viên tình nguyện và 17 nhóm sinh hoạt.

Để thực hiện hiệu quả các hoạt động của mô hình, hàng năm Trung tâm Dân số-KHHGĐ chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ huyện chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động mô hình tới cấp xã và cộng đồng. Trong những năm qua, các hoạt động truyền thông được quan tâm triển khai thực hiện và ưu tiên tập trung vào nhóm đối tượng đích, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, đã tổ chức 47 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về nội dung hoạt động của mô hình cho cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể tại xã và đội ngũ nhân viên thường trực, cộng tác viên tình nguyện, những người có uy tính trong cộng đồng ... cho gần 2.000 lượt người. Tổ chức 532 buổi truyền thông cho nhân dân tại cộng đồng và điểm truyền thông tư vấn thu hút trên 16.000 lượt người nghe. Nội dung truyền thông tập trung vào: Luật hôn nhân và gia đình, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hoá gia đình, làm mẹ an toàn…

Với nhóm đối tượng là vị thành niên, thanh niên, Trung tâm Dân số-KHHGĐ đã phối hợp với Phòng giáo dục và các trường phổ thông Trung học, trung học cơ sở, Trường dân tộc nội trú của huyện tổ chức các buổi ngoại khóa với nội dung: giáo dục Dân số, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi thái độ hành vi cho các em về hôn nhân và gia đình. Hướng dẫn cho các thôn xóm đưa các quy định của luật hôn nhân và gia đình, nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình vào hương ước quy ước và làm tiêu chuẩn để đánh giá gia đình văn hóa, làng văn hóa. Chỉ đạo đội ngũ nhân viên thường trực và cộng tác viên tình nguyện luôn bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, kịp thời hỗ trợ, phối hợp can thiệp, tác động khi có đối tượng có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Sau 7 năm triển khai, tại 4 xã thực hiện mô hình tình trạng tảo hôn đã giảm: Năm 2011, số cặp cưới tảo hôn chiếm 46,8% trong tổng số cặp kết hôn (22/47 cặp), đến năm 2015 đã giảm xuống 18% (13/72 cặp). Trong giai đoạn 2011-2015, số cặp kết hôn cận huyết thống chiếm 1,1% trong tổng số cặp kết hôn (3/265 cặp). Thông qua hoạt động mô hình, đã vận động hoãn cưới được 16 cặp tảo hôn và hủy hôn được 04 cặp hôn nhân cận huyết thống.

Với các địa bàn chưa triển khai mô hình, Trung tâm Dân số-KHHGĐ đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan lồng ghép nội dung về Luật hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống … trong các buổi truyền thông, tư vấn cho các nhóm đối tượng cần tác động, tuy vậy tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra. Một trong các nguyên nhân và cũng là rào cản trong công tác tuyên truyền vận động là việc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm tảo hôn đã được quy định trong Nghị định 87/2011/NĐ-CP và Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ nhưng trên thực tế đến nay chưa có địa phương nào áp dụng thực hiện xử lý vi phạm này.

Để thực hiện tốt công tác Dân số-KHHGĐ nói chung và làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng rất cần có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa nhà trường và các ban ngành đoàn thể và của toàn xã hội trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện tốt chính sách dân số, Luật hôn nhân và gia đình… Khi có đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ngoài việc tích cực vận động tại gia đình của đội ngũ nhân viên thường trực và cộng tác viên tình nguyện thì sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, mời hai gia đình của đối tượng đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã tư vấn, giáo dục, nhắc nhở các gia đình thực hiện đúng Luật Hôn nhân gia đình và các quy định của pháp luật.
Hiệu quả tác động của mô hình đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện, do vậy rất cần có sự tiếp tục đầu tư kinh phí để duy trì hoạt độngcủa mô hình và mở rộng địa bàn tại 17/17 xã, thị trấn.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập