Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7/2016 Chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA): “Trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa. Ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Các thách thức và trở ngại mà một em gái vị thành niên phải đối mặt sẽ nhân lên bội phần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn và xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Nhưng khi các em được trao quyền, có phương tiện và thông tin để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng động và quốc gia. Trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh. Các em cũng cần phải có cơ hội để có thể có thể có được tương lai tươi sáng. Các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người là phổ quát và tất cả mọi người đều được hưởng, trong đó có trẻ em gái vị thành niên - đối tượng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành”.
Theo Liên hợp quốc, trên thế giới hiện có khoảng 1,2 tỷ vị thành niên (nhóm dân số ở độ tuổi 10-19), chiếm 16,3% dân số thế giới, trong đó, trẻ em gái chiếm 48%. Dự báo, số vị thành niên sẽ tăng lên hơn 1,3 tỷ vào năm 2030 (nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 15,6% dân số thế giới) và đến năm 2050 sẽ tăng lên là 1,35 tỷ em và tỷ trọng giảm xuống chỉ còn 13,9%. Trong số 1,2 tỷ vị thành niên hiện nay, có tới 88,74% vị thành niên đang sinh sống tại các khu vực đang và kém phát triển; các khu vực phát triển chỉ chiếm 11,26%. Châu Á vẫn đứng đầu thế giới về số lượng vị thành niên với khoảng 700 triệu em, chiếm 58,3%. Số liệu toàn cầu năm 2015, tại Châu Á - Thái Bình Dương số trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi là 59 triệu em, trong đó ở Đông Á và Nam Á là 8 triệu em. Mỗi ngày có đến 20.000 trẻ em từ 15 – 17 tuổi sinh con tại các nước đang phát triển và số ca nạo phá thai không an toàn ở lứa tuổi này lên tới 3,2 triệu em.

Tại Việt Nam, hiện có trên 15,2 triệu vị thành niên (nhóm dân số ở độ tuổi 10-19) chiếm 16,3% dân số cả nước, trong đó vị thành niên nữ chiếm 48%. Việc đảm bảo thực hiện quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái vị thành niên. Hiện nay ở nước ta, hầu hết các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên đều được giải quyết bằng phá thai. Năm 2014, Việt Nam là 1 trong 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á, trẻ phá thai đa phần ở độ tuổi rất trẻ, 13-19 tuổi và 70% số ca phá thai chui ở các em tuổi vị thành niên.

Hiện nay, vị thành niên, thanh niên tỉnh Cao Bằng (độ tuổi 10-19) chiếm 15% dân số toàn tỉnh và vị thành niên, thanh niên nữ chiếm 7,5%. Để đảm bảo thực hiện quyền của các em như học tập, chăm sóc sức khỏe và không bị bạo hành cũng đang là một khó khăn, thách thức đối với tỉnh miền núi như Cao Bằng, trong khi vẫn còn xảy ra tình trạng thất học, tảo hôn, điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa thuận tiện ... đối với trẻ em gái vị thành niên. Hưởng ứng ngày Dân số thế giới năm 2016, hệ thống làm công tác Dân số-KHHGĐ các cấp, từ tỉnh đến, huyện, xã tập trung triển khai các hoạt động truyền thông như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tọa đàm, cổ động, treo băng rôn, áp phích ... nhằm huy động sự tham gia, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân ra sức cùng thực hiện các giải pháp và mục tiêu công tác Dân số-KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng dân số, trong đó chú trọng đến chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Ngày Dân số thế giới năm 2016, mục tiêu các hoạt động truyền thông là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tăng cường sự tham gia đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và sự giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về Dân số-KHHGĐ góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên bây giờ sẽ mang lại những tác động lớn hơn bao giờ hết tới cuộc sống của các em, gia đình và xã hội. Hãy chung tay để mang lại một Thế giới mà ở đó mỗi lần có thai đều được mong đợi, mỗi lần sinh con đều được an toàn và mỗi thanh thiếu niên đều được phát triển hết tiềm năng của mình.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập