Những khó khăn, thách thức trong công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay
Trong những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Dân số-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa số người dân đã chấp nhận thực hiện quy mô gia đình nhỏ ít con (2 con) để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đã khắc phục được sự gia tăng nhanh về dân số; đạt mức sinh thay thế vào năm 2013; chất lượng dân số từng bước được cải thiện... Tuy nhiên, công tác Dân số - KHHGĐ của tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Mức giảm sinh có giảm nhưng chưa bền vững, có sự khác biệt giữa các địa phương và có nguy cơ tăng sinh trở lại: Giai đoạn 2005-2015, Cao Bằng khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh để đạt mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ). Nhưng tính riêng trong từng huyện, thành phố lại không đồng đều và không bền vững, vẫn còn một số huyện có tỷ suất sinh thô tương đối cao và chưa đạt mức sinh thay thế như: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng, Thông Nông. Cao Bằng đang ở nhóm tỉnh có mức sinh chưa ổn định, dễ có nguy cơ tăng sinh trở lại nếu không có biện pháp.
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng gia tăng: Theo số liệu quản lý chuyên ngành Dân số - KHHGĐ, năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 104,6 trẻ trai/100 trẻ gái và liên tục tăng đến năm 2015 là 108 trẻ trai/100 trẻ gái và dự báo năm 2016 tăng lên 109 trẻ trai/100 trẻ gái. Nếu không được quan tâm và đưa ra những giải pháp để khống chế kịp thời thì trong thời gian tới, tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ rất nghiêm trọng, tác động đến các vấn đề an ninh, xã hội địa phương.
Về vấn đề già hoá dân số: tính đến thời điểm 30/12/2015 số người độ tuổi từ 60 tuổi trở lên là 54.606 người, chiếm 10,3% tổng dân số, nghĩa là năm 2015 Cao Bằng bước vào giai đoạn "già hoá dân số". Việc "già hoá dân số" đồng nghĩa với tuổi thọ người dân được nâng cao, đó là thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác Dân số - KHHGĐ. Nhưng già hóa cũng đang đặt ra thách thức lớn như: nhận thức, hành vi của người dân chưa thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”; Hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi; Hệ thống an sinh xã hội còn nhiều bất cập, chưa thích ứng với giai đoạn "già hóa dân số"... Riêng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế như: chưa có Bệnh viện Lão khoa, bệnh viện tuyến tỉnh chưa có khoa Lão, thiếu nhân lực chuyên khoa về Lão khoa, việc phổ biến kiến thức về Lão khoa còn hạn chế ...
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ ngày càng gặp nhiều khó khăn: Tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý đồng nghĩa với tiếp tục thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình trong bối cảnh không còn Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số cắt giảm, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện tránh thai, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ chưa kịp thời nhất là cho nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho đối tượng thuộc diện chính sách, thuộc hộ nghèo. Do đó, sẽ có những ảnh hưởng tới các chỉ tiêu về Dân số -KHHGĐ của tỉnh.
Chất lượng dân số đang dần được cải thiện nhưng vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai: Trong giai đoạn qua Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ thử nghiệm các mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số như: mô hình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Kết quả của các mô hình đạt được chưa cao do nguồn lực đầu tư thấp, một số hoạt động dịch vụ thiếu phương tiện, khó về chủ trương, giá dịch vụ...
Đội ngũ cán bộ Dân số xã, phường, thị trấn chưa là viên chức: Cao Bằng là một trong 12 tỉnh trên cả nước chưa thực hiện Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - KHHGĐ ở địa phương. Đây là một trong những bất cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số, làm hạn chế tính tích cực trong công tác, khó khăn trong nâng cao năng lực để tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu về Dân số - KHHGĐ tại các địa phương.
Trong thời gian tới, để giải quyết những thách thức trong công tác Dân số - KHHGĐ các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về Dân số - KHHGĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực; tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho các đối tượng thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng các hình thức phù hợp; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những địa bàn có mức sinh còn cao; đề xuất các giải pháp để ngăn chặn, khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập