Bình đẳng giới trong các hoạt động Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Sức khỏe sinh sản đảm bảo tính bền vững của chương trình
Mục tiêu của lồng ghép giới: Lồng ghép giới là một biện pháp chiến lược, là phương pháp tiếp cận toàn diện hơn, nhằm thay đổi tư duy và cách thức hành động để giải quyết triệt để những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới trong toàn xã hội, ở mọi ngành, mọi cấp nhằm đạt được bình đẳng giới trên diện rộng trong xã hội. Nói đến lồng ghép giới là nói tới chiến lược và quá trình đưa các mục tiêu về giới vào trong đường lối, chính sách, các dự án và các hoạt động của các ngành, các cấp, đảm bảo việc thực thi các thể chế, chính sách và chương trình tốt hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội và tạo điều kiện cho cả nam và nữ cùng được hưởng thụ một cách bình đẳng.
Mục tiêu của lồng ghép giới là: Sự công nhận của xã hội và đạt được vị thế bình đẳng giữa nam và nữ; Sự tham gia bình đẳng của nam và nữ vào quá trình ra quyết định; Nam và nữ được hưởng thụ bình đẳng các quyền con người; Phụ nữ và nam giới được bình đẳng tiếp cận và kiểm soát các cơ hội, nguồn lực và quyền lực; Nam và nữ bình đẳng về chất lượng cuộc sống; Giảm đói nghèo hiệu quả; Bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững hơn. Mục đích cuối cùng của lồng ghép giới chính là bình đẳng giới.

Trong công tác Dân số - Sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) khi lồng ghép giới thành công, phụ nữ và nam giới đều được bình đẳng trong quá trình ra quyết định thực hiện các hành vi dân số, chăm sóc SKSS, tiếp cận và thực hiện quyền về SKSS, sức khỏe tình dục và KHHGĐ của mình. Nam giới là đối tác quan trọng, cùng tham gia, cùng chia sẻ với phụ nữ về các công việc trong gia đình, trong xã hội và trong lĩnh vực sinh đẻ, tình dục, chăm sóc con cái, làm cho chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của cá nhân và gia đình được nâng cao.

Sự cần thiết phải lồng ghép giới vào các hoạt động DS - SKSS ở cơ sở

Bất bình đẳng giới là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng dân số và SKSS. Các hiện tượng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực DS-SKSS ở nước ta còn phổ biến. Vai trò của nam giới tham gia vào KHHGĐ còn hạn chế, phụ nữ được coi là người phải chịu trách nhiệm thực hiện KHHGĐ (việc mang thai và sinh đẻ tuy là thiên chức của người phụ nữ, nhưng mang thai khi nào và sinh bao nhiêu con lại thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định; sử dụng biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách sinh hoặc không sinh con nhưng việc quyết định có sử dụng hay không thường do người chồng, gia đình chồng quyết định; do mong muốn có con trai nên thai gái thường bị nạo bỏ dẫn đến hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng ...)

Lồng ghép giới vào các hoạt động DS-SKSS ở cơ sở là một yêu cầu cấp thiết, nhằm khắc phục bất bình đẳng giới, đem lại lợi ích cho cả hai giới và toàn xã hội, giúp đạt được các mục tiêu về DS-SKSS một cách bền vững hơn, duy trì tác động bền vững của những kết quả đạt được. Sức khỏe, hạnh phúc của phụ nữ và nam giới được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn lao động trong tương lai.

Hậu quả của việc không lồng ghép giới

Bất bình đẳng giới ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn lao động, ảnh hưởng các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc y tế của cả hai giới, tăng chi phí không cần thiết như: chi phí chăm sóc sức khỏe do nạo phá thai nhiều lần, chi phí chữa chạy vết thương do bạo lực về giới, chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ cản trở sự tham gia của lực lường lao động nữ vào các hoạt động xã hội. Phụ nữ ít có điều kiện, cơ hội phát huy tài năng của mình, mặc dù không có hoạt động nào mà chỉ có sự tham gia của một giới, trong khi tỷ lệ nữ giới chiếm hơn một nửa dân số.

Không lồng ghép giới có nghĩa là không giúp gì được cho trẻ em gái vì: Việc nạo phá thai gái để lựa chọn thai trai vẫn tiếp tục diễn ra; Trẻ em gái ít được quan tâm về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục của gia đình so với trẻ em trai; Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em gái gia tăng làm xấu đi tình trạng sức khỏe, học vấn, giảm cơ hội tìm kiếm việc làm sau này; Tăng bệnh tật ở phụ nữ... Không lồng ghép giới sẽ không thấy được trách nhiệm của nam giới trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Cần lồng ghép các vấn đề giới trong một số hoạt động cụ thể của công tác DS-SKSS ở địa phương

Lồng ghép giới trong hoạt động truyền thông DS-SKSS: thực hiện việc lồng ghép vào tất cả các khâu trong quá trình truyền thông, từ khâu xem xét đối tượng truyền thông là ai, họ cần được truyền thông nội dung gì, truyền thông qua những kênh và phương tiện nào là tốt nhất ...

Lồng ghép trong hoạt động cung cấp các dịch vụ DS-SKSS/KHHGĐ: Người cung cấp dịch vụ có cả nam, nữ và có kiến thức về giới, về dịch vụ mình cung cấp để có thể tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng, không phân biệt đối xử. Cơ sở cung cấp dịch vụ phải đa dạng, thuận tiện, thân thiện, đối tượng dễ dàng tiếp cận và sử dụng một cách thoải mái theo quyết định của mình ...

Lồng ghép giới trong công tác thống kê DS-SKSS: công tác thống kê DS-SKSS là một công cụ hữu hiệu giúp cho thực hiện lồng ghép giới hiệu quả. Một số chỉ báo cần thu thập có liên quan đến giới như: tỷ số giới tính; số hộ gia đình có chủ hộ là nữ; tỷ lệ nạo phá thai; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai; số chết trẻ dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi; số bà mẹ được khám thai 3 tháng/lần; số vụ kết hôn, ly hôn ... Các số liệu có lồng ghép giới được phân theo các tiêu thức: tuổi, giới tính, thành thị, nông thôn, học vấn, dân tộc, tôn giáo ... tùy theo từng sự kiện cụ thể.

Để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động DS-SKSS có lồng ghép giới yêu cầu những người tham gia công tác DS-SKSS các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, phải có kiến thức cơ bản về giới, trách nhiệm giới, biết cách phân tích giới để phát hiện những vấn đề đang tồn tại bất bình đẳng giới và có giải pháp cụ thể, khả thi, đem lại công bằng và bình đẳng giới. Tăng cường vận động nam giới, nam thanh niên tham gia vào các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về DS-SKSS/KHHGĐ ở cơ sở.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập