Những nội dung cơ bản về dân số và phát triển
Việt Nam đã xác định "phát triển bền vững" là mục tiêu chiến lược của quốc gia. Hiện nay và trong tương lai, khi mức sinh đã giảm bền vững dưới mức sinh thay thế, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trọng tâm của chính sách dân số cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh phát triển mới như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển việc làm có giá trị cao để tận dụng cơ cấu dân số vàng; phát triển hệ thống giáo dục và y tế phù hợp với cơ cấu dân số thay đổi mạnh mẽ; dân số già và an sinh xã hội; mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ luỵ; di dân và chất lượng cuộc sống... Yếu tố dân số cần phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển bền vững.
Vậy dân số và phát triển có những nội dung cơ bản gì?

Một là các vấn đề chung về quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số; lồng ghép dân số trong phát triển và các vấn đề dân số của các nhóm đối tượng cụ thể:

Dân số và phát triển có mối quan hệ chặt chẽ. Lồng ghép các chỉ tiêu dân số vào công tác lập kế hoạch phát triển sẽ giúp khai thác những lợi thế của dân số cho sự phát triển bền vững,và đảm bảo các chương trình phát triển thích ứng với những biến đổi dân số, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số trong hiện tại và cho cả thế hệ tương lai, thúc đẩy công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo thông qua tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh phát triển bền vững. Việt Nam cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ chỉ tập trung vào kiểm soát mức sinh sang lồng ghép dân số vào công tác lập kế hoạch phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy Việt Nam không cần phải tập trung vào giảm hay kiểm soát dân số sau 10 năm duy trì mức sinh thay thế. Nếu Chính phủ tiếp tục chính sách giảm sinh, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng mức sinh quá thấp và điều này có thể gây ra các tác động xấu tới quá trình phát triển bền vững như: thiếu lao động, già hóa dân số nhanh chóng gây thêm gánh nặng cho hệ thống bảo hiểm quốc gia và thu hẹp thị trường trong nước. Do vậy, dân số cần được lồng ghép vào quá trình lập quy hoạch quốc gia, trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định.

Hai là quy mô dân số: mức sinh, KHHGĐ và biện pháp tránh thai, sức khỏe sinh sản toàn diện (bao gồm KHHGĐ, vô sinh, phá thai, nhiễm khuẩn đường sinh sản…), giới tính, sức khỏe tình dục.

Ba là cơ cấu dân số: mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới, cơ cấu dân số theo tuổi, quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số, dân số già.

Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng kể từ năm 2010 trong đó cứ hai người trong độ tuổi lao động sẽ gánh một người ở độ tuổi phụ thuộc (0-14 và 65+). Tuy nhiên, cơ hội vàng sẽ không được tự động chuyển thành lợi tức cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần ban hành các chính sách kịp thời, phù hợp để có thể tận dụng được các lợi thế của lực lượng lao động dồi dào bằng cách đầu tư vào thanh thiếu niên vì giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc sau năm 2041. Cần nỗ lực hơn nữa để giúp thanh thiếu niên phát huy được tối đa tiềm lực của mình bằng cách hỗ trợ họ phát triển toàn diện, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục.

Việt Nam là một trong những quốc gia có mức già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Những thay đổi về nhân khẩu học này đòi hỏi Việt Nam phải có một cách thức tiếp cận mới trong các chính sách về dân số.

Bốn là chất lượng dân số: phát triển thể chất con người (bao gồm dinh dưỡng, rèn luyên, sức khỏe thể chất), bệnh và dịch bênh, tầm soát bệnh tật bẩm sinh (bao gồm sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, kết hôn cận huyết thống, kiểm tra bệnh Thalassamia và bệnh tật bẩm sinh khác) kết hôn, kết hôn sớm, ly hôn, các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, mức chết, tỷ lệ chết trẻ em, kỳ vọng sống hay tuổi thọ.

Năm là phân bố dân số: di cư đi, di cư đến, cơ sở dữ liệu dân cư và quản lý dân cư. Di cư ảnh hưởng đến kinh tế theo cả hướng tích cực và tiêu cực, đồng thời di cư cũng tác động đến môi trường và ngược lại, xu thế phát triển dân số và suy thoái môi trường luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới luồng di cư hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là di cư nông thôn thành thị là do chênh lệch mức sống giữa các vùng miền, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới quyết định di cư của người dân là hướng tới những gì tốt đẹp hơn cho bản thân và cho con cái.

Sáu là phát triển kinh tế - xã hội: các biện pháp phát huy các lợi thế của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng; các biện pháp thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, dân số già; lồng ghép các vấn đề dân số vào chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp dân cư và bảo đảm hiệu quả của chính sách, pháp luật, kế hoạch.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập