Sự nguy hiểm của bệnh Liên cầu lợn
Bệnh Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín, tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, vết trầy xước trên da trong quá trình giết mổ, chế biến… Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời thì người bệnh có thể tử vong do: sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, viêm nội tâm mạc.... Trong trường hợp bệnh nhân hồi phục thì bệnh vẫn có thể để lại những di chứng nặng nề khác.
Nguồn bệnh và đường lây truyền của bệnh:

Vi khuẩn S.suis chủ yếu sống ở lợn nhà nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài lợn rừng, ngựa, chó, mèo, chim... Bình thường vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên và ở hạch hầu họng của lợn tuy nhiên khi bị mắc bệnh, có thể phát hiện vi khuẩn gây bệnh ở các phủ tạng, đường tiêu hóa, đường sinh dục hay trong máu của lợn bệnh. Người bị nhiễm vi khuẩn S.suis thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như: tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn S.suis xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Cho tới nay chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.

Biểu hiện của bệnh:

Khi bị bệnh Liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau, như: Xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hoá.
Trong bệnh Liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn Liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc rất nặng, biểu hiện như: Tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hoá (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu).
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn Liên cầu lợn với các biểu hiện như: Sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng...
Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Bệnh diễn biến rất nhanh, từ khi phơi nhiễm đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 3 ngày và từ khi bệnh khởi phát đến lúc toàn phát (nặng) khoảng 1 ngày.

Biện pháp phòng nhiễm Liên cầu lợn:

Để phòng bị nhiễm Liên cầu lợn Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo nhằm phòng, chống bệnh Liên cầu lợn ở người:
- Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết. Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; Không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.
- Người dân phải sử dụng các phương tiện phòng hộ như: găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt sau khi xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
- Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống; hoặc nếu có thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc.
- Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
- Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh; Không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác. Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn. Để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như: sốt cao đột ngột, xuất huyết từng mảng dưới da… và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập