Trung tâm Y tế huyện Hòa An chủ động ứng phó với dịch bệnh trong và sau bão lũ
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và Sở Y tế, các trung tâm y tế tại huyện và thành phố đã kích hoạt tổ cấp cứu ngoại viện và tổ thanh khiết môi trường. Lực lượng y tế được bố trí trực 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Các dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa có nguy cơ gia tăng sau mưa lũ. Để giảm thiểu nguy cơ này, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch mua và thực hiện cấp phát Clorramin B cho người dân, giúp khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuẩn bị vật dụng chứa nước sạch, cũng như thu gom, quản lý chất thải y tế và đảm bảo vệ sinh cá nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường. Các hoạt động như phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh cũng được tổ chức tại những khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường; tổ chức các đoàn công tác của ngành kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Ngành cũng chỉ đạo thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh; tăng cường các biện pháp khử khuẩn; hướng dẫn các đơn vị y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập lụt, thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; quán triệt các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra chất lượng nước tại hộ gia đình; kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế theo các quy định.



Qua kiểm tra các điểm ngập úng và chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 .BSCKII Nông Quang Trung- Giám đốc Trung tâm Y tế đánh giá cao sự chuẩn bị, sẵn sàng ứng cứu của tổ công tác y tế ngoại viện đồng thời yêu cầu tăng cường chỉ đạo các Trạm Y tế đặc biệt quan tâm đến việc xử lý vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, cung cấp đầy đủ hóa chất và hướng dẫn người dân xử lý an toàn nguồn nước uống/nước sinh hoạt. Tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn trong ăn uống, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tăng cường giám sát chặt chẽ, không để dịch bệnh có nguy cơ cao thường xảy ra sau lũ lụt như: bệnh tiêu chảy, bệnh mắt đỏ, sốt xuất huyết… Trạm Y tế tham mưu cho UBND xã/thị trấn huy động lực lượng tại chỗ xử lý môi trường, vệ sinh các chợ/ trường học/ bãi rác tập trung/ bếp ăn tập thể và nơi tập trung đông người… Các cơ sở y tế nhanh chóng ổn định để đảm bảo công tác khám chữa bệnh, công tác tiêm chủng… Có phương án tiếp theo để ứng phó với thời tiết diễn biến cực đoan, thất thường trong thời gian tới….
Cùng với nỗ lực của ngành Y tế, sự chủ động của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là rất quan trọng. Hướng dẫn và tuyên truyền sẽ giúp người dân nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường, từ đó hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tại những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.