NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GIÀ HOÁ DÂN SỐ
Già hoá dân số là kết quả của quá độ nhân khẩu học trong đó mức chết và mức sinh đều giảm, cùng với tổng tỷ suất sinh giảm dần xuống mức sinh thay thế, tuổi thọ bình quân tăng lên làm tăng số lượng người cao tuổi nói chung và lao động cao tuổi nói riêng (tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ lệ người cao tuổi tăng).
Theo Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12, Người cao tuổi (NCT) được quy định là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên:
Giai đoạn “Già hoá dân số” hay “Dân số đang già” là khi số người trên 65 tuổi chiếm ≥ 7% hoặc số người trên 60 tuổi chiếm ≥ 10% tổng dân số.
Giai đoạn “Dân số già” hay “Dân số đã già” là khi số người trên 65 tuổi chiếm ≥ 14% hoặc khi số người trên 60 tuổi chiếm ≥ 20% tổng dân số.
Giai đoạn “Dân số siêu già” là khi số người trên 65 tuổi chiếm ≥ 21% tổng dân số.

Chỉ số già hoá là tỷ số giữa số người từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới 15 tuổi. Chỉ số này phản ánh cấu trúc của dân số phụ thuộc, phản ánh mối tương quan giữa số người 60 tuổi trở lên so với số người dưới 15 tuổi của một dân số.

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số. Dự báo thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam là 17-20 năm, ngắn hơn nhiều nước, kể cả những quốc gia có trình độ phát triển hơn. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2016 sẽ có khoảng 7% dân số Việt Nam từ 65 tuổi trở lên, tương đương 6,5 triệu người; số người từ 60 tuổi trở lên là trên 10%. Vào năm 2040 dự báo số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp 3 lần, đạt khoảng 18,4 triệu người, chiếm khoảng 17% dân số. Nói cách khác, tỉ lệ người sống phụ thuộc (số người từ 65 tuổi trở lên so với nhóm người trong độ tuổi lao động) dự tính sẽ tăng gấp gần 3 lần, từ 10% hiện nay lên khoảng 26% năm 2040.
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số & nhà ở từ 1979 - 2009 và Điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam, thực trạng và đặc điểm “già hoá dân số” ở Việt Nam được đánh giá là: Người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh ở nhóm cao tuổi nhất với một số lý do chính là mức sinh giảm nhanh, mức chết giảm và tuổi thọ tăng nhanh; Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, trên 70% NCT vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội; Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống với con, cháu chiếm 72,3%. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già; Nữ giới chiếm tỷ trọng cao trong dân số cao tuổi: Cứ 1 cụ ông có 1.3 cụ bà ở nhóm 60-69 tuổi; 1 cụ ông có 1.5 cụ bà ở nhóm 70-79 tuổi và 1 cụ ông có 2 cụ bà ở nhóm 80 tuổi trở lên. Chính điều này đã dẫn đến hiện tượng “nữ hoá dân số cao tuổi” ở Việt Nam (tuổi thọ của nữ luôn cao hơn nam); Đời sống NCT đa phần còn khó khăn: 70% NCT không có tích luỹ vật chất; 62,3% gặp khó khăn, thiếu thốn và 18% sống trong hộ nghèo; Sức khỏe NCT còn hạn chế: khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền.
Già hóa dân số ở Việt Nam cũng là thách thức đối với hệ thống y tế Việt Nam như: Gia tăng các bệnh mạn tính; Gia tăng nguy cơ tàn phế; Chi phí y tế tăng cao vì chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ; Khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho NCT còn hạn chế; Thiếu nhân lực được đào tạo - thiếu người chăm sóc; Môi trường chính sách mặc dù đã được quan tâm nhưng việc thực thi các chính sách còn gặp nhiều khó khăn như: Luật người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều chính sách khác.
Theo Viện Già hoá Quốc gia Hoa Kỳ, có 9 xu hướng quan trọng trong vấn đề già hóa toàn cầu: Dân số cao tuổi - Tăng tuổi thọ - Tăng số lượng người cao tuổi - Tăng gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm - Suy giảm dân số - Thay đổi cấu trúc gia đình - Thay đổi các mô hình làm việc và nghỉ hưu - Nhu cầu tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội - Các thách thức kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, già hóa dân số sẽ gây nên nhiều tác động kinh tế, xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và toàn bộ người dân nói chung. Điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay.
Già hóa dân số không phải là một gánh nặng nhưng nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên trầm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Với Việt Nam thì việc đó lại cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết để kịp thời ứng phó với các thách thức của quá trình già hóa dân số tốc độ nhanh như vậy.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập