Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2017
Cách đây 30 năm, vào ngày 11-7-1987, lúc 6 giờ 35 phút, cậu bé người Nam Tư tên là Matej Gašpar ra đời tại thành phố Zagreb, nay là thủ đô của Croatia, được tuyên bố là công dân thứ 5 tỷ của hành tinh này. Đến tháng 11-1989, Diễn đàn Dân số thế giới đã quyết định lấy ngày sinh của Matej Gašpar, ngày 11-7 hàng nǎm làm"Ngày Dân số Thế giới" nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ Dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ các quyền chính đáng như: Quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở và bảo vệ sức khoẻ. Kỷ niệm ngày Dân số thế giới hàng năm là dịp để mỗi quốc gia và toàn thể nhân loại nhìn lại việc kiểm soát và phát triển Dân số từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để ngày càng thực hiện tốt hơn các mục tiêu Dân số và phát triển trong chiến lược phát triển chung kinh tế xã hội của mỗi quốc gia và của toàn nhân loại.
Năm 2017, Chủ đề ngày Dân số Thế giới được lựa chọn là: “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đầu tư vào công tác kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) chính là nhằm cải thiện sức khoẻ và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển.

KHHGĐ là một phần nội dung quyền con người. Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền đã giúp hàng triệu phụ nữ được trao quyền và nâng cao vị thế làm cơ sở cho phép họ có thể đưa ra các quyết định sinh ít con hơn và có thể sinh con muộn hơn. Nhờ đó, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập hơn, nhiều cơ hội kiếm sống tốt hơn và có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Thực hiện KHHGĐ là một can thiệp có thể cứu sống con người, giúp ngăn ngừa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và giảm các ca nạo phá thai không an toàn. Tính tới thời điểm năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về KHHGĐ chưa được đáp ứng. Ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con. Tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện là một quyền con người. Tuy nhiên, khoảng 225 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai hiện chưa được sử dụng các biện pháp KHHGĐ an toàn và hiệu quả, hầu hết số phụ nữ này đang sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện có thể giảm 1/3 số ca tử vong mẹ và giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ em. Ước tính năm 2016, con số tử vong mẹ là 303.000 ca.

Đầu tư vào KHHGĐ sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn. Chi tiêu một đô la cho các dịch vụ tránh thai sẽ giúp làm giảm 1,47 đô la các chi phí chăm sóc trước sinh - bao gồm cả việc chăm sóc cho phụ nữ nhiễm HIV. Đầu tư vào KHHGĐ còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng kinh tế của quốc gia. Khi tỷ lệ dân số phụ thuộc (dân số trẻ em và người cao tuổi) nhỏ hơn dân số trong độ tuổi lao động, nó tạo ra một lợi thế về kinh tế, nếu cộng thêm các chính sách phù hợp.

Xuất phát từ những ý nghĩa trên, chủ đề "Ngày Dân số Thế giới" năm 2017 đã được lựa chọn “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”.

Nhằm hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7 năm 2017, Cao Bằng đã chỉ đạo tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông trọng điểm với mục đích Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với công tác Dân số-KHHGĐ trong giai đoạn mới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vận động, huy động cộng đồng và truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về Dân số-KHHGĐ góp phần đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tốc độ mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, tăng cường công tác xã hội hoá cung cấp các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh; đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.

Các hoạt động truyền thông tại các cấp, tập trung phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7, kết quả công tác Dân số-KHHGĐ trong thời gian qua, nhiệm vụ trong thời gian tới; tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; các văn bản chỉ đạo, giải pháp, chính sách của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác Dân số-KHHGĐ; Tích cực tuyên truyền thực hiện công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá sức khỏe sinh sản và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về Dân số-KHHGĐ cho các ban ngành, đơn vị liên quan, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, cổ động, treo băng rôn tuyên truyền với các nội dung, thông điệp và chủ đề Ngày Dân số thế giới 11/7. Lồng ghép các hoạt động kỷ niệm Ngày Dân số thế giới với hội nghị sơ kết công tác DS-KHHGĐ 6 tháng đầu năm 2017. Lồng ghép kiểm tra, giám sát các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, các hoạt động truyền thông tại cơ sở. Đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình của đội ngũ cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số tại cộng đồng, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao. Tăng cường hoạt động lồng ghép tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ thường xuyên tại Trạm Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu.

Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Khi người mẹ giãn khoảng cách giữa các lần sinh thì trẻ sinh ra sẽ mạnh khỏe hơn và có thể giảm các nguy cơ tử vong trong 5 năm đầu đời.

Nếu phụ nữ được chăm sóc SKSS tốt sẽ đóng góp được nhiều hơn cho gia đình, cho sự thịnh vượng của quốc gia và toàn nhân loại. Đây cũng chính là cơ sở tạo ra lợi tức dân số và góp phần gia tăng thịnh vượng trên phạm vi toàn cầu.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập